Có nhiều phương thức để làm mát cho ngôi nhà, từ những cách quen thuộc, dân gian cho đến ứng dụng những công nghệ, sản phẩm mới.
Phan Chí Quốc, kiến trúc sư: Kế thừa truyền thống có chọn lọc.
Có không ít tranh luận chuyên môn về các công trình hiện nay được gọi tên kiểu “tropical house” có thực sự hợp khí hậu hay không. Về mặt định lượng định tính cụ thể từng trường hợp theo tôi nghĩ cần thông qua các kiểm nghiệm khoa học thực tế, ví dụ như có máy móc đo đạc trực tiếp nhiệt độ, xem xét khả năng thông gió, bụi bặm tại công trình, thay vì chỉ nhìn qua ảnh thấy có bọc lam hay dùng gạch bông gió chi chít rồi nhận định chủ quan.
Thực tế khí hậu Việt Nam vốn thừa nắng và là nắng gắt, oi bức, như các nghiên cứu của Tiến sĩ Phạm Đức Nguyên đã chỉ ra: “Nơi có đến hơn 11 giờ nắng mỗi ngày thì tỷ lệ mở cửa trực tiếp trên mặt tường ngoài nhà không nên vượt quá 25 % , và cửa kính nếu không được chống bức xạ mặt trời bằng các giải pháp kỹ thuật đúng mức thì sẽ là dạng “bẫy nhiệt” nung nóng không khí nội thất và ngăn cản nhiệt bên trong thoát ra ngoài. Đây là lý do khiến nhà truyền thống từ xưa đã có cách xử lý đóng – mở hiệu quả, dùng bề mặt vật liệu tự nhiên có sự xốp rỗng tạo nên bóng đổ bản thân, giảm phản xạ nhiệt cũng như tránh tích nhiệt rất tốt. Nếu biết kế thừa truyền thống có chọn lọc theo thực tế hôm nay sẽ rất hiệu quả. Phần tường nhà cùng hệ thống cửa bao quanh là khu vực chịu ảnh hưởng nhiệt độ bên ngoài đáng kể, nhất là với các hướng nắng gắt từ nam vòng qua tây bắc (chịu nắng từ trưa đến chiều). Thực tế cho thấy kiểu nhà biệt thự Pháp xây thời kỳ thuộc địa ( ta hay gọi là “nhà Tây”) luôn mát mẻ vì được làm khoảng thông thủy cao và tường dày đi cùng hệ thống hành lang bao quanh và dùng cửa lam chớp để cách nhiệt tốt hơn và thông gió cũng tốt hơn. Việc chọn hình thức cho cửa (cửa dạng chớp cản nắng thông gió, cửa dùng kính hộp cách nhiệt, có lớp phản quang…) sẽ quyết định không nhỏ đến nhiệt độ trong nhà.
Bên cạnh đó, nên giảm bớt các bề mặt “cứng” để thay thế bằng các mặt tiếp xúc “mềm” hơn, thiên nhiên hơn như trồng thảm cỏ trước sân, dùng cây leo, cây bóng mát. Một mảng tường có dây leo xanh luôn mát mẻ hơn là để trơ trọi. Nếu sử dụng sân thượng thì nên có lợp thêm mái nhẹ bên trên kết hợp với vườn trồng cây để cản bớt bức xạ trực tiếp.
Lê Bảo Hưng, kỹ sư xây dựng: Cây xanh và hơn thế nữa
Việc bố trí cây xanh ở đâu và như thế nào để có thể giải nhiệt cho nhà, hài hòa kiến trúc thì cần phải quan tâm vị trí và cách phối hợp. Trồng cây phải đi cùng với chăm sóc tỉa tót thường xuyên, điều mà không phải cư dân đô thị nào cũng có kỹ năng và thời gian để làm. Lý tưởng nhất vẫn là khi xây nhà trong các khu quy hoạch mới có hệ thống cây xanh công cộng đem lại cảnh quan chung, mọi nhà đều được chia sẻ, còn cây trồng riêng trong từng nhà đa số là cây tiểu cảnh, dàn leo hay bon sai… có thể không quá khó nhọc chăm sóc, không biến cây xanh thành “cục nợ”, chỉ có hình thức ban đầu mà bỏ bê về sau, gây ngấm dột phiền toái trong sử dụng và bảo trì nhà cửa.
Một ngôi nhà xanh vì thế không chỉ có màu xanh của cây lá, mà quan trọng là giải pháp kiến trúc và cảnh quan phải ổn định, hài hòa các lợi ích thiết thực, đồng thời tạo đươc sự an tâm và thoải mái trong quá trình ăn ở cho gia chủ. Những tiêu chí này cần đặt ra và giải quyết vừa mang tính đồng bộ tổng thể nhưng vẫn phải có sự linh hoạt cục bộ, tránh áp đặt, tránh sa đà hình thức và chạy theo các “phong trào” trồng cây xanh lên mái, lên tường đòi hỏi nhiều chi phí chăm sóc, bảo dưỡng khá cao. Rất nhiều gia chủ khi nhờ tôi xây nhà đã trả lời thẳng là không làm bồn hoa, không trồng cây trên mái vì họ biết các hệ lụy của thấm dột, chăm sóc, duy trì cây xanh trong điều kiện của họ là bất khả thi.
Cảm giác về sự thoải mái trong nơi ở có nhiều dạng khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là tính tiện nghi và môi sinh (nhiệt độ, tốc độ gió, độ ẩm, ánh sáng…) mà ngôi nhà nếu được bố trí hợp lý thì các điều kiện vi khí hậu trong không gian sống sẽ được biến chuyển tích cực. Dĩ nhiên, luôn nhiều cách để tạo sự mát mẻ cho không gian sống như dùng hệ thống thông gió cơ khí, điện lạnh tiên tiến. Mỗi nhà mỗi vị trí, mỗi hoàn cảnh, chọn lựa giải pháp nào cho hài hòa môi trường là điều nên làm. Quan điểm của kiến trúc bền vững hiện nay cũng không hề xem nhẹ vai trò của hệ thống làm mát nhân tạo, mà chỉ khuyến cáo hãy sử dụng máy điều hòa sao cho hiệu quả và dễ chịu nhất. Theo tôi, nếu chủ động ngay từ đầu lựa chọn hệ thống làm mát hiện đại, tiết kiệm năng lượng đi liền với cấu trúc của nhà thì sẽ rất hiệu quả trong sử dụng lâu dài.
James Huỳnh Ngọc, kinh doanh vật liệu: Từ mái nhà đến các công nghệ mới
Theo quan sát của tôi, xử lý tốt mái nhà là đã thành công 50% trong công việc chống nóng, bởi mái là nơi chịu tác động mưa nắng nhiều nhất. Dù chọn lựa hình thức mái bằng hay mái dốc thì các vấn đề về kỹ thuật (chống thấm, chống nóng…) và mỹ thuật (hài hòa bao cảnh, kiểu dáng kiến trúc…) luôn song hành với nhau. Nếu làm mái chỉ vì hình thức thì dễ dẫn đến phi lý về công năng, kỹ thuật. Hoàn thiện mái có chi phí không thua kém hoàn thiện một tầng nhà để ở, nếu làm đúng làm đủ, ví dụ chọn mái đổ bê tông dán ngói thì phải chống thấm chống nứt dầm đà và xử lý kỹ thuật liên quan, chọn lợp tôn thì nên là loại có lớp cách âm cách nhiệt, rồi phải có đóng trần đúng cách, có khoảng thông khí dưới gầm mái. Với nhà làm mái bằng thì cần lưu ý dùng gạch chuyên dụng chống nóng, rồi sàn hai lớp, giàn lam bên trên thế nào. Không chỉ đóng trần theo tiêu chuẩn kỹ thuật, cần sử dụng thêm các vật liệu cách nhiệt như bông thủy tinh cách nhiệt, túi xốp hơi … như một lớp đệm giúp tăng thêm khả năng cách nhiệt, giúp nhiệt độ trong phòng giảm được 20% – 30% so với nhiệt độ bên ngoài nếu thi công, lắp đặt đúng hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời cũng giúp ổn định nhiệt độ bên trong để sử dụng máy điều hòa đỡ hao tốn năng lượng.
Hiện nay các ứng dụng công nghệ, sản phẩm mới trong xây dựng như tấm lợp, tấm tường đều có thể chịu thời tiết khắc nghiệt rất hiệu quả nhưng lại ít được ứng dụng đại trà. Hoặc như gạch không nung có đặc tính nhẹ, khả năng cách nhiệt, chống cháy tốt, giảm thời gian thi công và tiết kiệm vật liệu, chi phí đầu tư… nhưng rất nhiều gia chủ và nhà thầu vẫn giữ thói quen sử dụng gạch đất sét nung cùng cách thức thiết kế – thi công kiểu cũ, công nghệ lạc hậu và tiêu tốn vật liệu. Nguyên nhân có nhiều, như thiếu hướng dẫn của Bộ chuyên ngành về chỉ tiêu thiết kế, thi công, định mức kinh tế, kỹ thuật… cũng như thiếu tập huấn tay nghề và kỹ thuật cho nhà thầu, nên chỉ có các công trình vốn đầu tư nước ngoài mới áp dụng hiệu quả hệ thống công nghệ, vật liệu xây dựng hiện đại. Vai trò của truyền thông rất quan trọng khi hiện nay khá thiếu vắng các bài báo, chương trình giới thiệu mang tính khách quan về kỹ thuật và kinh tế của các vật liệu hiện đại, hiệu quả, Nếu để cho nhà sản xuất hay người kinh doanh vật liệu tự giới thiệu thì người dùng ít quan tâm vì cho rằng chúng tôi đang quảng cáo. Trong khi đó trên thế giới, ở các nước phát triển, gạch đất sét nung chỉ còn chiếm 10-15% sản lượng vật liệu xây dựng
Thực hiện: KTS. LÊ HUY
Ảnh: VIỆT KHÔI